Kinh tế - Văn hóa

TT - Trước sức ép của làn sóng người nhập cư, Bộ Nhân lực (MOM) Singapore vừa yêu cầu các công ty phải ưu tiên cân nhắc các ứng viên người Singapore trước khi tuyển người nước ngoài.

Như Reuters đưa tin, kể từ tháng 8-2014, các công ty hoạt động tại Singapore có từ 25 nhân viên trở lên phải đăng tuyển các vị trí quản lý, chuyên gia có mức lương dưới 12.000 đôla Singapore (9.600 USD/tháng), trong ít nhất 14 ngày trên một ngân hàng việc làm do chính phủ quản lý. Sau thời gian này, nếu không tìm được người các công ty mới có thể tuyển người nước ngoài.

Phía công ty cũng phải giữ lại hồ sơ của quá trình phỏng vấn để chứng minh họ đã cố tuyển người bản xứ. Ngoài ra, chính phủ cũng nâng mức lương tháng tối thiểu của lao động người nước ngoài được cấp thẻ làm việc Employment Pass (EP) tại Singapore thêm 10%, lên 3.300 đôla Singapore, tương đương 2.600 USD kể từ tháng 1-2014.

Lao động người nước ngoài tăng nhanh tại Singapore vài năm trở lại đây, lên 1,2 triệu người vào cuối năm 2012, tương đương 37% lực lượng lao động của đảo quốc. Tỉ lệ thất nghiệp của người dân địa phương là 3% trong khi tỉ lệ thất nghiệp chung là 2,1%. Từ đầu năm đến nay, Singapore đã có nhiều động thái hạn chế nhập khẩu lao động, bao gồm tăng thuế và giảm tỉ lệ lao động người nước ngoài trên tỉ lệ lao động địa phương đối với công ty thuộc các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất, xây dựng và hàng hải.

Các công ty bị than phiền phân biệt đối xử với người Singapore sẽ bị yêu cầu cung cấp các thông tin về tổ chức, tuyển dụng lao động... Nếu không cải thiện, họ sẽ đối mặt với những yêu cầu nghiêm khắc hơn như phải cam kết không sa thải nhân viên người Singapore nào trong vòng hai tháng trước hoặc sau khi nộp đơn xin EP cho lao động nước ngoài. Ngày 25-9, MOM đã buộc mười công ty xin lỗi công khai và phạt không được thuê nhân viên nước ngoài trong vòng sáu tháng vì phân biệt quốc tịch, tuổi tác trong quảng cáo tuyển dụng nhân sự.

Người Singapore vỗ tay

MOM giải thích rằng quy định mới không có nghĩa buộc các công ty phải ưu tiên tuyển người Singapore mà chỉ nhằm bảo vệ sự công bằng trong tuyển dụng. "Người Singapore vẫn phải chứng tỏ mình có khả năng và đủ cạnh tranh để có được những công việc tốt hơn mà họ mong muốn" - quyền Bộ trưởng Tan Chuan Jin khẳng định, nhưng cũng thừa nhận "đây là cách duy nhất để tạo việc làm và cơ hội tốt cho người Singapore".

"Về dài hạn, tôi tin rằng ngân hàng việc làm sẽ có ý nghĩa quan trọng trong phân tích dữ liệu, giúp chúng tôi hiểu về thị trường lao động, giúp điều chỉnh các yêu cầu đào tạo lao động" - ông Tan nói thêm. MOM cho biết đã tư vấn với nhiều bên gồm các nhóm nhà tuyển dụng, trong sáu tháng và đi khảo sát ở Mỹ, Canada, Hong Kong trước khi đưa ra quy định mới.

Quy định mới được người Singapore chào đón nồng nhiệt, nhất là những người đang thất nghiệp. "Nó sẽ có lợi cho tôi. Bây giờ tôi có thể tự tin hơn vì biết rằng sẽ chỉ cạnh tranh với người Singapore" - kênh CNBC dẫn lời một người Singapore đang tìm việc. Một số người đang làm ở các vị trí cấp cao không mấy tin tưởng vào hiệu quả quy định mới. "Nếu công ty đã có thành kiến với nhân viên Singapore thì họ đợi cho qua 14 ngày mà thôi" - chuyên gia phân tích James Wong, làm cho một công ty phần mềm tài chính, viện dẫn. Tuy nhiên, MOM khẳng định sẽ theo dõi để có giải pháp ngăn các công ty lách quy định, bao gồm xin thẻ làm việc có lương tháng tối thiểu thấp hơn 12.000 đôla Singapore như S Pass, theo báo Today Online.

Người nước ngoài méo mặt

Quy định mới khiến người lao động nước ngoài đặt câu hỏi về văn hóa trọng dụng nhân tài nổi tiếng của Singapore. Giới kinh tế cũng cho rằng quy định mới sẽ tạo nhiều phiền toái, thủ tục cho các công ty, thậm chí lo ngại có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế về lâu dài và sự bảo vệ quá mức sẽ làm giảm tính cạnh tranh của lao động Singapore.

Trả lời   Tuổi Trẻ,  anh Nguyễn Thanh Huy - nhân viên công nghệ thông tin làm việc tại Singapore - cho biết việc tăng lương tối thiểu để xin EP sẽ khiến các công ty ngại tuyển người nước ngoài vì phải trả lương cao hơn, thủ tục trở nên rườm rà hơn, đồng nghĩa với cơ hội xin việc sẽ hạn chế hơn. Anh cho biết việc hạn chế người nhập cư không chỉ diễn ra ở mảng lao động mà còn ở bên giáo dục khi học phí dành cho sinh viên quốc tế tăng đều mỗi năm.

Những than phiền về việc lao động nước ngoài giành cơ hội của người bản xứ gia tăng gần đây gây nhiều sức ép lên chính phủ. Anh Thanh Huy dẫn chứng: "Người Singapore dùng từ "tài năng ngoại" (foreign talent - FT) để thể hiện cách nhìn tiêu cực về người lao động nước ngoài. Họ kêu ca FT mua hết nhà tốt làm dân Singapore không có nhà ở; FT có việc làm ngon mà dân Singapore nhiều người thất nghiệp. Dân Singapore kỳ thị FT lắm dù không nói ra mặt. Bây giờ đi kiếm việc khó kinh khủng; họ chỉ cần biết mình không có thẻ lưu trú dài hạn là khỏi nói chuyện".

Còn anh Nguyễn Thế Huy - nhân viên Công ty đầu tư tài chính Singapore GIC - giải thích việc phe đối lập đang giành nhiều ưu thế trên chính trường thời gian qua khiến chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long phải tìm cách xoa dịu người dân, bao gồm việc ra quy định tuyển dụng mới. Chính phủ vừa qua cũng buộc những người nước ngoài được cấp thẻ lưu trú dài hạn phải chờ ba năm mới được phép mua nhà.

Dù nhiều ý kiến tỏ ra thông cảm với quy định mới của Singapore, nhưng một số cho rằng cuối cùng các công ty sẽ tìm cách tuyển người tốt nhất. "Nếu người bản địa không có kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với vị trí tuyển thì họ sẽ phải tìm việc ở chỗ khác thôi" - phó chủ tịch Mark Hall của Công ty Kelly Services nói. Trong khi đó, Conan Hales, một người Anh có thẻ lưu trú dài hạn tại Singapore, cho rằng "chính phủ nên tập trung vào phát triển các kỹ năng mà ngành lao động đang đòi hỏi hơn là áp các biện pháp quản lý lên nhà tuyển dụng".

TRẦN PHƯƠNG

Nguồn: truoitre.vn

Các tin liên quan
Chương trình đào tạo sắp khai giảng
Đào tạo riêng theo yêu cầu

Song song với các hoạt động đào tạo được tổ chức thường xuyên tại trụ sở của nhà trường (rộng mở cho nhiều doanh nghiệp). VJCC chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo theo yêu cầu riêng của từng doanh nghiệp trong và ngoài nước