Kinh tế - Văn hóa
TT - Koizumi trở lại, và giờ ông lên tiếng chống chính sách của chính “học trò” mình: Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Tháng 9-2006, ông Shinzo Abe trở thành thủ tướng trẻ nhất của Nhật kể từ sau Thế chiến thứ hai. Ngoài việc đến từ gia đình danh giá có cha là cựu ngoại trưởng, ông ngoại là cựu thủ tướng, ông Abe có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ thủ tướng đương nhiệm khi đó là Junichiro Koizumi, một trong những chính trị gia được dân Nhật yêu quý nhất trong lịch sử (ông Koizumi từng có tỉ lệ ủng hộ lên tới 80% trong thời gian cầm quyền).

Nhưng mới đây ông Koizumi, người khá kín tiếng kể từ khi rời chính trường, bất ngờ xuất hiện trở lại. Lần này ông lên tiếng chống chính sách mà học trò mình theo đuổi. Ông Koizumi kêu gọi ngưng hoạt động toàn bộ các lò hạt nhân ở Nhật.

Trong khi ông Abe đang muốn khởi động lại các lò hạt nhân (Nhật hiện đóng cửa toàn bộ 50 nhà máy hạt nhân sau vụ Fukushima) và thậm chí đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ hạt nhân ra nước ngoài, ông Koizumi chỉ trích kế hoạch này là “vô trách nhiệm” và “vô vọng.” Trong một bữa tối cuối tháng 9 với lãnh đạo Đảng Minna no To (Đảng của mọi người) và một loạt lãnh đạo khác, ông lên tiếng Nhật nên chấm dứt các nhà máy điện hạt nhân. Ông nói “làm được điều đó là điều mà một nhà lãnh đạo thật sự nên làm”. Sau đó ông kể từng đến kho Onkalo ở Phần Lan, nơi chứa các chất thải hạt nhân. Cơ sở này ước tính phải trữ các thanh hạt nhân này khoảng 100.000  năm trước khi chất thải được trung hòa. Theo ông Koizumi, ở Nhật hiện chưa có những kho chứa chất thải hạt nhân kiểu này.

Xuất hiện trước báo đài trong một loạt sự kiện sau đó, ông Koizumi tiếp tục đưa ra thông điệp chống hạt nhân. Sự thay đổi quan điểm của ông Koizumi, ở tuổi 71, được coi là bước ngoặt “đáng ngạc nhiên”. Trong thời gian nắm quyền từ năm 2001-2006, ông Koizumi từng ủng hộ nhiệt thành phát triển năng lượng hạt nhân rẻ và sạch. Giờ thì ông tuyên bố đó là loại năng lượng đắt nhất khi thấy Nhật chi hàng tỉ USD để làm sạch Fukushima cũng như là chi phí chưa tính toán nổi cho việc xử lý đống chất thải hạt nhân.

Chính phủ Nhật từng tính trận động đất và sóng thần xảy ra ở Fukushima phải 1.000 năm mới có một lần. Nhưng chính Tokyo giờ đang nói có tới 60-70% khả năng một trận động đất lớn và sóng thần lớn khác sẽ ảnh hưởng tới vùng duyên hải đông đúc của nước này trong 30 năm tới. Và vùng duyên hải của nước Nhật có hàng chục nhà máy điện hạt nhân từ Tokyo tới phía nam đảo Kyushu.

Một số thành viên trong chính quyền ông Abe, nhiều người từng là lính của ông Koizumi thời ông tại chức, đã chỉ trích tuyên bố của ông. “Mọi người có thể nói là ông trong sáng, nhưng đồng thời là ông quá đơn giản - Bộ trưởng kinh tế Akira Amari nói - Chúng ta phải xem xét mọi việc cho toàn diện”. Theo ông Amari, tái khởi động các lò hạt nhân là cách duy nhất để có nguồn điện ổn định và rẻ.

Một số chính trị gia khác hi vọng sự lên tiếng của ông Koizumi, người vẫn còn rất ảnh hưởng, sẽ giúp tạo ra thay đổi. “Tin tức lớn nhất gần đây là ông Koizumi, chính trị gia vẫn rất được ủng hộ, giờ kêu gọi bỏ năng lượng hạt nhân - cựu thủ tướng Naoto Kan trong bài phát biểu gần đây ở New York nói - Ông Koizumi là sếp của ông Abe. Vì thế, tôi tin rằng điều này sẽ gây áp lực với chính phủ để bỏ các nhà máy hạt nhân”.

Theo các thăm dò dư luận, phần lớn người dân Nhật, kể cả những người ủng hộ ông Abe, giờ đều phản đối năng lượng hạt nhân. Một cuộc thăm dò hồi đầu tháng nói 76% số người được hỏi nói họ không tin tình trạng ở Fukushima “đã được kiểm soát”. Hiện ở Fukushima vẫn đang bị rò rỉ nước nhiễm xạ từ nhà máy ra biển. Công ty Điện lực Tokyo, đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân này, vẫn trì hoãn suốt hai năm nay kế hoạch xây dựng bức tường chặn nước rò rỉ vì chi phí quá cao.

Một bài học ở Nhật nhưng rất đáng suy nghĩ cho các nước đang phát triển năng lượng hạt nhân.

THANH TUẤN

Nguồn: tuoitre.vn

Các tin liên quan
Chương trình đào tạo sắp khai giảng
Đào tạo riêng theo yêu cầu

Song song với các hoạt động đào tạo được tổ chức thường xuyên tại trụ sở của nhà trường (rộng mở cho nhiều doanh nghiệp). VJCC chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo theo yêu cầu riêng của từng doanh nghiệp trong và ngoài nước