Kinh tế - Văn hóa
Trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự phát triển của đất nước và sự sống còn của các doanh nghiệp. Vậy chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay có đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước không? Vì sao nguồn nhân lực Việt Nam lại còn nhiều hạn chế ? Và hướng giải quyết vấn đề này như thế nào? Từ góc nhìn của ông Tô Bình Minh - Giám đốc Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật tại Tp.HCM ( VJCC- HCMC ) phần nào lý giải thực tế trên.

         

Ông Tô Bình Minh - Giám đốc Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật  tại Tp.HCM ( VJCC- HCMC )

- Thưa ông, ông có thể giới thiệu đôi nét về Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật ( VJCC) đến với độc giả chuyên đề Kinh tế & Đầu tư?

VJCC là dự án hợp tác nguồn nhân lực giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Nhật Bản. Đại diện cho Việt Nam là trường Đại học Ngoại thương (FTU), đại diện cho Nhật Bản là Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong khuôn khổ dự án, có 02 trung tâm được thành lập là VJCC Hà Nội và VJCC Thành phố Hồ Chí Minh. Cả 02 trung tâm đều là tổ chức hoạt động phi lợi nhuận trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Chủ yếu 04 hoạt động sau :

·         Khóa học Kinh doanh

·         Khóa học tiếng Nhật

·         Hoạt động giao lưu văn hóa

·         Thư viện

Văn phòng làm việc của cả 2 trung tâm đều ở trong khuôn viên của trường Đại học Ngoại thương ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án được hình thành từ năm 2000, nhưng chính thức hoạt động từ năm 2002.

VJCC Tp.HCM đã và đang khẳng định là một địa chỉ uy tín về đào tạo nguồn nhân lực, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trên con đường đổi mới, hội nhập vào nền kinh tế thế giới, xứng đáng là biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị giữa hai đất nước Việt Nam – Nhật Bản.

- Theo ông thì chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

Việt Nam có lợi thế về dân số đông, lực lượng trong độ tuổi lao động khá dồi dào. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam so với thế giới và khu vực vẫn còn thấp và cần phải được cải thiện. Trong nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay, nhân lực phổ thông chiếm phần lớn còn nhân lực chất lượng cao lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Cái thiếu của nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay không phải là nhân lực phổ thông, mà là nhân lực chất lượng cao.

Các doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự gặp rất nhiều khó khăn để tìm được nhân sự có chất lượng mong muốn.

- Một trong những lý do được nêu ra của việc hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam là do chất lượng đầu ra từ các trung tâm đào tạo còn kém. Ý kiến của ông về điều này như thế nào?  Và theo ông thì chất lượng nguồn nhân lực kém là do đâu, thưa ông? 

Nguyên nhân đầu tiên là các trường đại học, cao đẳng mở ra tràn lan trong khi chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, về đội ngũ giảng viên. Việc liên kết đào tạo với các tổ chức ở nước ngoài vẫn còn bị buông lỏng. Bên cạnh đó, tâm lý người Việt Nam lại sính bằng cấp nên sẵn sàng bỏ ra một số tiền khá lớn để lấy được tấm bằng cử nhân, thạc sỹ, thậm chí cả tiến sỹ nhưng lại không quan tâm đến chất lượng đào tạo.

Nguyên nhân chính nữa liên quan đến chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo của các trường vẫn còn nặng về lý thuyết, còn nhiều môn mang tính lý luận chính trị mà không có khả năng áp dụng vào thực tiễn. Các môn liên quan đến kỹ năng mềm, đến ngoại ngữ, ứng dụng chiếm thời lượng còn thấp trong chương trình đào tạo.

- Ông có thể  chia sẻ với độc giả chuyên đề Kinh tế & Đầu tư về hướng giải quyết các vấn đề này như thế nào không, thưa ông?

Đây là vấn đề lớn, phức tạp đòi hỏi phải có sự kết hợp của các tổ chức, cá nhân ở các cấp, các bộ phận khác nhau.

Nhật Bản là một trong những nước thành công trong phát triển nguồn nhân lực. Xuất phát từ việc giáo dục cho người dân rằng, nước Nhật nghèo tài nguyên thiên nhiên, thiên tai thường xuyên tàn phá nên để phát triển chỉ có thể dựa vào chính mỗi người dân Nhật Bản. Nhật Bản đã đặc biệt chú trọng tới giáo dục đào tạo và coi đây là quốc sách hàng đầu và Nhật Bản đã trở thành một trong những quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới.

Với Việt Nam, việc đầu tiên cần phải làm là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần mạnh tay hơn nữa đối với những cơ sở đào tạo kém chất lượng. Cần đóng cửa và rút giấy phép đối với những cơ sở đào tạo không nghiêm túc, chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng. Bên cạnh đó cần nghiên cứu để thay đổi chương trình đào tạo, cần học hỏi chương trình đào tạo của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật Bản,...

- Thưa ông, nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang trên đà phát triển đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực. Xin ông cho biết, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay có đáp ứng được cho nhu cầu phát triển kinh tế VN không?

Nguồn nhân lực hiện nay của VN bị đánh giá là “vừa thừa vừa thiếu”. Chúng ta “thừa thầy, thiếu thợ” bởi vì sinh viên tốt nghiệp đại học (thầy) thất nghiệp hoặc làm trái ngành rất phổ biến, còn nhân lực có trình độ chuyên môn (thợ) lại không có đủ.

Tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm đúng nghề bởi chất lượng đào tạo ở các trường đại học vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Một tình trạng phổ biến hiện nay là nhiều sinh viên ra trường, do không đủ trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc nên phải tiếp tục học ở bậc học thấp hơn (học nghề, trung cấp) để có trình độ chuyên môn phù hợp cho công việc.

- Xin ông chia sẻ thêm về sự hợp tác của VJCC với các doanh nghiệp hiện nay như thế nào? VJCC chỉ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Nhật Bản hay cả với các doanh nghiệp nói chung, thưa ông?

VJCC có sự hợp tác thường xuyên và chặt chẽ với các doanh nghiệp. VJCC thường xuyên gửi thông báo các khóa đào tạo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, các hội thảo, các buổi giao lưu cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, VJCC còn mời các doanh nghiệp đến báo cáo và huấn luyện các khóa học ngắn hạn tại VJCC. Như vậy, sự hợp tác của VJCC với các doanh nghiệp khá đa dạng. Các doanh nghiệp hợp tác với VJCC có thể với tư cách là học viên, giảng viên, báo cáo viên,…

Nhìn chung, tỷ lệ học viên đến VJCC từ các doanh nghiệp Nhật Bản chiếm khoảng 50%. Bên cạnh các học viên đến từ các doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp khác của Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc cũng cử người đến tham dự các khóa học, hội thảo của VJCC. Một số khóa học ngắn hạn tại VJCC thu hút cả các học viên người Việt và người Nhật đến tham gia. Thông qua các khóa học này, các học viên hiểu rõ hơn văn hóa Việt Nam và Nhật Bản và xóa được rào cản về văn hóa Việt Nam và Nhật Bản. Thư viện của VJCC cũng là một địa chỉ thu hút không chỉ các độc giả người Việt Nam mà còn cả các độc giả người Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

-   Thưa ông, ông có thể chia sẻ những mô hình đào tạo và hợp tác của VJCC với độc giả của Kinh Tế & Đầu Tư?

VJCC có hai mảng đào tạo chính là Khóa học Kinh doanh (BC) và Khóa học tiếng Nhật (JC)

Đối với các khóa học Kinh doanh (BC), VJCC có những khóa học ngắn hạn (từ 1 đến 3 ngày), khóa học trung hạn (từ 3 đến 5 tháng) và khóa học dài hạn (10 tháng).

Các khóa học kinh doanh bao gồm những chủ đề về quản trị sản xuất, quản trị nhân sự, quản trị tài chính,… và về kỹ năng mềm.

Khóa học dài hạn (10 tháng) là khóa Kinh doanh cao cấp được tổ chức bằng sự kết hợp giữa VJCC HN và VJCC HCMC. Các học viên tham gia khóa học này sẽ phải qua 2 vòng tuyển chọn. Vòng 1 thông qua bài viết về doanh nghiệp của mình và vòng 2 thông qua phỏng vấn trên mạng JICA net.

Đối với các khóa học tiếng Nhật (JC), VJCC thường xuyên tổ chức các khóa học luyện thi năng lực Nhật ngữ từ N3 đến N1, khóa học luyện thi tiếng Nhật thương mại (BJT- Business Japanese Proficiency Test). Bên cạnh đó cũng có các khóa học để đáp ứng nhu cầu trong công việc của các doanh nghiệp như khóa tiếng Nhật giao tiếp văn phòng, tiếng Nhật thương mại, Biên Phiên dịch tiếng Nhật.

Các  khóa học của VJCC thường tổ chức tại VJCC. Một số khóa học được tổ chức theo yêu cầu của doanh nghiệp, có thể đặt tại VJCC hoặc tại doanh nghiệp (in-house training)

Giảng viên cho các khóa học tại VJCC là các chuyên gia đầu ngành, tiến sĩ, giáo sư có nhiều kinh nghiệm thực tiễn của Nhật Bản và Việt Nam.

- Các học viên khi trở về doanh nghiệp đánh giá thế nào về hoạt động đào tạo của VJCC, thưa ông?

Các học viên sau khi được đào tạo tại VJCC đều rất hài lòng với chất lượng đào tạo cũng như mức phí đào tạo phải đóng góp.

Về giảng viên, VJCC mời những chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản tham gia. Các chuyên gia đều có trên 20 năm kinh nghiệm tại các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản ở các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, VJCC cũng mời giảng viên là những giảng viên có uy tín từ các trường đại học của Việt Nam và Nhật Bản, những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, và thậm chí là những học viên cũ của VJCC.

Các khóa đào tạo đều chú trọng đến tính thực tiễn nên khả năng ứng dụng rất cao. Các chuyên gia Nhật Bản luôn chú trọng việc thực hiện triệt để nguyên tắc “tam hiện” (hiện trường, hiện vật, hiện trạng) có nghĩa là:

·         Để giải quyết vấn đề, không được phép quá tin tưởng, chấp nhận ngay, quan sát đại khái, điều tra không đầy đủ

·         Không được ngồi tại bàn giấy để suy đoán, xem xét

·         Nhất thiết phải đến hiện trường để kiểm tra

·         Nhất thiết phải kiểm tra hiện vật

·         Nhất thiết phải xác nhận hiện trạng.

Nhìn chung, các học viên đều rất hài lòng với những kinh nghiệm và ví dụ thực tế  được nêu ra trong các bài giảng của các giảng viên.

Đối với một số khóa học trung và dài hạn, các học viên được đi tham quan nhà máy sản xuất để có sự liên hệ giữa thực tiễn và lý thuyết với sự hướng dẫn, phân tích của giảng viên.

Về phương pháp đào tạo, các khóa học đều tôn trọng và áp dụng nguyên tắc “lấy học viên làm trung tâm”. Các giảng viên khuyến khích học viên suy nghĩ, thảo luận và đề xuất giải pháp để giải quyết những vấn đề ở ngay trong doanh nghiệp của mình. Vì vậy, các học viên không chỉ học được những kinh nghiệm từ giảng viên mà còn học hỏi lẫn nhau.

Các giảng viên cũng đưa vào bài giảng những trò chơi để minh họa cho bài giảng khiến cho giờ học sinh động và hấp dẫn hơn. Kết thúc khóa học, các học viên còn lưu giữ được nhiều hình ảnh, video clip vui nhộn của các hoạt động trong lớp học.

Bên cạnh đó, các học viên cũng rất hài lòng với những dịch vụ tại VJCC như giữ xe, teabreak, âm thanh, ánh sáng,… Thái độ của các nhân viên cũng như giảng viên, thông dịch viên đều hòa nhã, vui vẻ và thân thiện.

Về mức học phí, các doanh nghiệp đều cho rằng mức học phí tại  thấp hơn nhiều so với các cơ sở đào tạo khác. Sở dĩ mức học phí tại VJCC có thể thấp như vậy là vì lý do:

1/ Chi phí cho các chuyên gia Nhật Bản đến VN giảng dạy bao gồm tiền giảng dạy, chi phí ăn ở đi lại, phiên dịch được sự tài trợ của JICA

2/ Cơ sở vật chất như phòng học, trang thiết bị đã có sẵn do JICA hỗ trợ mua sắm chứ không phải thuê mướn như một số cơ sở đào tạo khác

3/ Đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp nên dù số lượng ít nhưng vận hành công việc hiệu quả, nhanh gọn, không để xảy ra sự cố trục trặc

-  Thưa ông, ông có thể chia sẻ cho độc giả chuyên đề Kinh tế & Đầu tư biết được VJCC đang hợp tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực với các doanh nghiệp và đối tác nào?

*Về các khóa học kinh doanh:

Trong thời gian vừa qua rất nhiều doanh nghiệp của VN cũng như Nhật Bản đã tín nhiệm và thường xuyên gửi học viên đến tham gia các khóa học kinh doanh của VJCC.

Chỉ tính trong vòng 4 năm trở lại đây, Công ty TNHH Nguyên Hà đã cử 246 lượt học viên đến tham gia khóa học tại VJCC. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp cũng liên tục cử cán bộ nhân viên của mình đến các khóa học kinh doanh tại VJCC như: Công ty TNHH Sai Gon Precision; Công ty PLUS Viet Nam; Công ty Tokyo Robe Viet Nam; Công ty Đạm Phú Mỹ; Công ty Bao bì Á Châu;  Công ty Vietnam Air Caterers;

*Về các khóa học tiếng Nhật:

Ngoài các khóa học tiếng Nhật tổ chức thường xuyên tại VJCC, rất nhiều khóa học được tổ chức theo yêu cầu của các doanh nghiệp. Chỉ tính trong năm 2013, VJCC đã tổ chức 2 khóa học tiếng Nhật sơ cấp tại VJCC cho khoảng 50 cán bộ nhân viên của Công ty Vinakyoei, 2 khóa tiếng Nhật thương mại cho Công ty Sumitex Vietnam, 01 khóa tiếng Nhật thương mại cho Công ty Sai Gon Precision, 01 khóa tiếng Nhật thương mại cho Công ty  Indochina Tourist and Trade.

*Về hoạt động giao lưu :

VJCC kết hợp với Hiệp hội các Doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh (JBAH) tổ chức hàng năm Hội chợ Nghề nghiệp (JOB FAIR) thu hút hàng chục doanh nghiệp Nhật Bản và hàng nghìn sinh viên từ các trường đại học tại Tp.Hồ Chí Minh tham gia.

Bên cạnh các hoạt động trên, VJCC cũng hợp tác để đào tạo học viên Nhật Bản cho các doanh nghiệp Nhật Bản như Hitachi,  Fukokou, Mitani,... Các học viên này, thông qua các buổi học trên lớp và những chuyến đi tham quan, được học tiếng Việt, tìm hiểu lịch sử, văn hóa và kinh tế VN.

- Xin cảm ơn ông!

 

                                                                                                            Nguyễn Hoàng -Tuyết Nhung

Trích Tạp chí Kinh tế và Đầu tư

(www.kinhtedautu.vn)

Các tin liên quan
Chương trình đào tạo sắp khai giảng
Đào tạo riêng theo yêu cầu

Song song với các hoạt động đào tạo được tổ chức thường xuyên tại trụ sở của nhà trường (rộng mở cho nhiều doanh nghiệp). VJCC chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo theo yêu cầu riêng của từng doanh nghiệp trong và ngoài nước