Tin khóa học kinh doanh
Thứ Năm ngày 01 tháng 12 năm 2016, tại VJCC Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi giao lưu giữa các học viên Viện KAIL (Kyushu- Asia Institue of Leadership) và các học viên Keieijuku. Trong buổi giao lưu, ông Akihito Nakayasu- biên tập viên, phóng viên tạp chí Oryza Vietnam đã có bài nói chuyện về mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.



VJCC Thành phố Hồ Chí xin đăng bài nói chuyện của ông Akihito Nakayasu để chia sẻ với những doanh nghiệp, cá nhân quan tâm đến mối quan hệ Việt Nam- Nhật Bản.
15 năm trước và hiện tại, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đang tiến triển như thế nào?
Mục đích của buổi nói chuyện hôm nay: “So sánh giữa xưa và nay” bằng phương pháp suy luận, đánh giá để có cái hiểu đúng hơn về “nhận thức tình hình hiện tại”
Phần giới thiệu bản thân của tôi các bạn đã có trong tay nên tôi xin đi vào chủ đề chính của ngày hôm nay.
Tuy tôi đã sống ở Việt Nam được 14 năm nhưng nếu nói tôi rất rành về đất nước Việt Nam và con người Việt Nam thì thật sự bản thân tôi cũng không tự tin để thừa nhận điều đó. Bản thân tôi, một cách nghiễm nhiên là người nước ngoài nên không thể nói một cách đơn giản rằng tôi biết được hết tất cả mọi thứ về Việt Nam.
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn phát hiện ra nhiều điều mới cũng như những điều mà trước đây tôi lầm tưởng mà tôi không hề hay biết. Hơn nữa, Việt Nam đang phát triển từng giờ từng giờ nên nhận thức “Hình ảnh Việt Nam” của 1 năm trước đây và bây giờ không hoàn toàn giống nhau.
Có một nhà quan sát Việt Nam từng nghĩ “Muốn biết hình ảnh thực sự về đất nước Việt Nam”. Nhưng đó không phải là điều mà chỉ cần hỏi bất cứ người nào họ cũng có thể chỉ cho mình biết “Đất nước Việt Nam thật sự là gì?”. Bản thân các bạn cần phải nắm được “Đối với các bạn, đất nước Việt Nam thật sự là gì”. Đây là chủ đề mà tôi muốn được trò chuyện với các bạn trong ngày hôm nay: “Phương pháp đánh giá, suy luận để hiểu đúng về con người và đất nước Việt Nam”.
Có rất nhiều phương pháp đánh giá suy luận nhưng lần này tôi sẽ sử dụng phương pháp “So sánh Việt Nam từ nhiều phương diện và nhận biết Việt Nam”. Trong các buổi nói chuyện trước đây tôi đã dùng các phương pháp như: “So sánh với các nước láng giềng”, “So sánh hai miền Nam- Bắc”, “So sánh nông thôn và thành thị”,.. để làm ví dụ.
Và hôm nay, tôi sẽ so sánh Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Thông qua chủ đề “Mối quan hệ Việt Nam- Nhật Bản trong 15 năm đã thay đổi như thế nào” tôi mong rằng có thể giúp các bạn có được hiểu biết chính xác nhất về đất nước mình.
Buổi trò chuyện ngày hôm nay e rằng sẽ kéo dài nhưng trước khi bắt đầu bài nói chuyện của mình tôi xin được trình bày lí do tại sao lại chọn chủ đề là “Nhận thức tình hình hiện tại”
Trong 14 năm làm việc trong ngành truyền thông, tôi đã từng thấy rất nhiều doanh nghiệp thành công và cũng nhiều doanh nghiệp thất bại. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại thì một trong số đó chính là “Nhận thức sai tình hình hiện tại”
Chẳng hạn như: “Nghĩ rằng chi phí nhân công tại Việt Nam rẻ nên thành lập nhà xưởng, nhưng thực tế lại cao hơn dự tính”, “Tin tưởng vào chất lượng sản phẩm công ty mình tạo ra nhưng lại hoàn toàn không bán được”, “Nghe nói Việt Nam rất “sính” Nhật nhưng các sản phẩm của Nhật lại không bán được mà chỉ thấy họ tiêu thụ hàng Trung Quốc rẻ tiền hay hàng của Hàn Quốc”, … Để những thất bại như trên không lặp lại tôi nghĩ rằng việc các bạn phải nắm được “Tình hình chính xác” là điều rất quan trọng.
Kết luận: Mối quan hệ Việt Nhật trên nhiều phương diện đang ngày một trở nên gần gũi

Như các bạn thấy kết luận mà tôi rút ra ở trên, mối quan hệ Việt Nhật đang ngày càng trở nên gần gũi trong những năm gần đây. Tôi xin đưa ra 3 dữ liệu tham khảo như sau:
Đầu tiên là nói đến số lượng người Nhật đến Việt Nam đã tăng rất nhiều. Vào năm 2000, thống kê số lượng khách Nhật đến Việt Nam là 152.755 người. Năm 2015, con số này tăng lên gấp 4 lần: 671.379 người. Và năm 2016 tính đến thời điểm hiện tại (tháng 11) số lượng khách Nhật đã vượt qua con số của năm ngoái, đạt 677.000 người.
Con số này trở nên ấn tượng hơn khi so sánh với các nước khác. Ví dụ như số lượng người Nhật đến Thái Lan vào năm 2000 là 1.202.164 người, năm 2015 là 1.381.690 người- tăng 180.000 người nhưng tỉ lệ tăng chỉ là 15%. Tại Singapore, năm 2000 là 929.670 người, nhưng năm 2015 giảm còn 789.179 người.
Năm 1995, mở tuyến bay thẳng từ Nhật Bản sang Việt Nam là tuyến bay Kansai – Thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi tôi chuyển sang Việt Nam sinh sống, vào thời đó chỉ có duy nhất một chuyến bay thẳng nhưng không phải chuyến xuất phát từ Narita, thời điểm đó vì tôi sống ở Tokyo, mỗi khi bay qua Việt Nam tôi phải bay từ Haneda đến sân bay Kansai, tại đây tôi chuyển máy bay để bay qua Việt Nam. So sánh như vậy để thấy được sự thay đổi đến chóng mặt qua các năm.
Không chỉ tăng về số lượng khách Nhật đến thăm Việt Nam. Số lượng người Nhật đến sống tại Việt Nam cũng tăng. Năm 2000, số người Nhật đến sống ở Việt Nam là 2.682 người. Đến năm 2015, con số đó đã tăng lên 14.695- tỉ lệ tăng là gấp 5,5 lần.
Các nhà hàng Nhật ở Việt Nam cũng tăng. Ở đây tôi không có con số chính xác cụ thể nhưng vào những năm 2000 số nhà hàng Nhật Bản là vào khoảng 50 nhà hàng, nhưng hiện tại đã tăng đến con số 1.000 nhà hàng.
Số lượng doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cũng vậy, năm 2000 số lượng hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản là 327 (Hà Nội là 115 doanh nghiệp, Tp. HCM là 212 doanh nghiệp) nhưng đến năm 2015 đã tăng lên 1.449 hội viên, tăng gấp 4,4 lần. Hiện tại, trong chỉ số phát triển doanh nghiệp Nhật Bản thì Việt Nam đứng ở vị trí thứ 7 trên thế giới.
Tăng trưởng mạnh nhất phải nhắc đến đó là số người Việt Nam đến du lịch tại Nhật Bản. Trong tài liệu của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) đăng tải, năm 2003 số lượng người Việt Nam đến thăm Nhật Bản là 17.094 người. Con số này tiếp tục tăng những năm sau đó và đến năm 2015 là 185.395 người, tăng hơn 10 lần.
Thời điểm mà tôi bắt đầu sinh sống tại Việt Nam, số người Việt có khả năng đi sang Nhật Bản còn rất hạn chế. Nhưng hiện tại, việc người Việt Nam có thể đến Nhật thông qua các chuyến du lịch trọn gói quả thật là việc nằm ngoài sức tưởng tượng.
Đây cũng là một trong những dữ liệu minh chứng cho mối quan hệ Việt Nhật đang dần thay đổi. Sự thay đổi về “lượng” chắc chắn sẽ kéo theo sự thay đổi về “chất”. Vì vậy, trong 15 năm qua, chất lượng mối quan hệ Việt Nhật- nói cách khác là bên trong mối quan hệ ấy đã thay đổi đáng kể như thế nào. Tiếp theo tôi xin giới thiệu một vài ví dụ tượng trưng về cảm nhận “Thời đại đã thay đổi rồi sao! ’’

Ví dụ thay đổi 1: Thay đổi “Người nước ngoài = giàu” “Người Việt Nam = nghèo”

Thời kỳ khi tôi còn phát hành tạp chí miễn phí, đây là thời kì mà tôi thấy ấn tượng nhất. Có một người chủ nhà hàng Nhật Bản nói với tôi rằng: “Thay vì quảng cáo miễn phí trên tạp chí miễn phí bằng tiếng Nhật thì tôi nghĩ nên chuyển sang quảng cáo trên các trang báo tiếng Việt thì sẽ có nhiều lợi nhuận hơn!”
Chính xác đây là câu chuyện của gần 10 năm trước. 20 năm trước khi tôi đến thăm Việt Nam, khi nói đến nhà hàng Nhật thì đối tượng khách hàng là những vị khách Nhật sống tại Việt Nam. Điều đó chỉ trong khoảng 10 năm đã thay đổi một cách nhanh chóng.
Nhà hàng Nhật mà tôi đang nói đến tên là Uraetei, ban đầu được mở ra cho các khách hàng Nhật nhưng bây giờ được các khách hàng Việt Nam biết đến và trở thành một trong những nhà hàng nổi tiếng, thành công nhất tại Việt Nam.
Lại có một câu chuyện khác tôi được nghe kể từ một vị chủ nhà hàng: “Nakayasu, mỗi lần đến nhà hàng của chúng tôi anh đều chọn phần ăn 5 đô. Nhưng mà các khách hàng Việt Nam của tôi họ sẵn sàng bỏ 100 đô cho một bữa ăn trưa. Xét về bình quân lợi nhuận thì số tiền thu được của khách hàng Việt nhiều hơn đấy!”. Đây không chỉ là câu chuyện của những người Nhật thôi đâu. Ngày trước, chúng ta đều có quan niệm rằng “người nước ngoài – giàu “, người Việt Nam – nghèo” nhưng điều này đang dần thay đổi.
Ngay cả chính trong gia đình tôi cũng vậy. Vợ tôi hiện đang làm nhân viên công ty thôi nhưng lương của bà ấy còn cao hơn cả tôi. Là một người ở vị trí đi ở rể như tôi nhiều lúc cũng cảm thấy ái ngại.
Khi Việt Nam trở thành một nơi dễ dàng để đến sống thì số lượng người nước ngoài đến Việt Nam sẽ tăng lên. Khi đó, những giá trị hiếm hoi của đất nước cũng dần phai nhạt đi, thị trường thu nhập cũng sẽ suy giảm. Tôi cho rằng nó hoạt động như một vòng tròn.
Tại công ty của tôi, 15 năm trước lúc tuyển dụng lao động người Nhật làm việc ở Việt Nam rất vất vả, nhưng 10 năm sau tôi nhận được thông báo ứng tuyển: “Tôi muốn sống ở Việt Nam, liệu có thể thuê tôi không? Tôi đi intership miễn phí cũng được!”. Tuy vậy, tôi cũng trả cho người đó hơn 500 đô/ tháng. Năm 2002 khi tôi đăng tuyển dụng với mức lương khởi điểm là 1000 đô thì lại bị chê “rẻ quá”. Quả thật là một sự khác biệt quá lớn.

Ví dụ thay đổi 2: Thay đổi từ “Việt Nam là nhà xưởng” sang “Việt Nam là thị trường”
Tiếp theo là sự thay đổi từ “Việt Nam là nhà xưởng” sang “Việt Nam là thị trường”. Liên quan đến khuynh hướng thay đổi này thì có lẽ chính các bạn là người hiểu rõ nhất. Đó là sự thay đổi từ “Sản xuất sản phẩm bằng nhân công giá rẻ và xuất sang thị trường Nhật Bản” sang “Sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và bán tại Việt Nam”
Theo thống kê số lượng hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, số lượng nhà máy sản xuất Nhật Bản chiếm hơn phân nửa nhưng trong những năm gần đây xuất hiện sự gia tăng đáng kinh ngạc của các doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ và bán lẻ.
Thực tế, so với từ trước tới giờ mức độ khó khăn sẽ ngày càng tăng cao. Vì sản phẩm làm ra để bán cho người Việt Nam nên sẽ không sản xuất theo “thị hiếu của khách Nhật” mà sẽ theo “thị hiếu của khách hàng Việt Nam”. Theo như đánh giá của doanh nghiệp Nhật thì điều này đang dần đi vào thời đại hàng hóa ít lưu thông. Ở vị trí là người nước ngoài như chúng tôi đây thì quả thực là điều khó khăn.
Đáng lo ngại hơn khi lấy lĩnh vực ăn uống ra làm ví dụ. Có một đầu bếp của một nhà hàng đang rất thành công nói với tôi rằng: “Đối với người Nhật, khi họ ăn sushi thường ăn kèm với mù tạt, nhưng những thực khách Việt Nam khi ăn sushi cũng có người muốn ăn cùng với nước mắm ớt.” Chỉ sự khác biệt này thôi, tôi cũng không biết là liệu mình có thể thành công trên mảnh đất này hay không.
Không chỉ lĩnh vực ăn uống, cùng một bộ đồ người Nhật cảm thấy nó thật thời trang, hiện đại nhưng nhiều khi người Việt lại nhìn và cảm thấy nó trông thật quê kệch. Điểm này khiến tôi cảm thấy cho dù có biết nhau như thế nào đi chăng nữa thì mãi cũng không thể đoán biết được hành động của họ.
Có một khu nghỉ mát được hoàn tất, người chủ Việt Nam cho trang trí xung quanh khu vực hồ bơi bằng hình ảnh chim cánh cụt, cá heo vì họ cảm thấy “Nếu như không trang trí như vậy thì cảm giác hồ bơi nó buồn buồn”. Nhưng người Nhật lại nghĩ: “Đã là một khách sạn resort cao cấp thế mà lại đặt những con vật này làm trang trí thì khiến cho không khí xung quanh trở nên nhàm chán và chẳng có lợi ích gì cả”. Chỉ cùng một hiện tượng nhưng lại có hai cách đánh giá trái chiều nhau.
Việc kì vọng vào thị trường Việt Nam là một điều không sai, nhưng nếu so sánh với những sản phẩm của Nhật, thì những sản phẩm đang được bày bán trong các siêu thị thực tế hầu hết chất lượng đều không cao. Như vậy, nếu như mang hàng Nhật về bán thì có thể bán được? Điều này không đúng. Các nhà doanh nghiệp đang lấy đối tượng chung là người tiêu dùng Việt Nam thì càng cần phải lưu ý đến vấn đề này.

Ví dụ 3: Thay đổi từ “Thân Nhật” sang “Hiểu Nhật”

Từ xưa người Việt đi theo hướng “thân Nhật”. Đến mức khi nói đến truyện tranh Doraemon người Việt nào cũng biết, hay như người ta gọi xe máy là “xe Honda”. Tuy nhiên, khi đi vào cụ thể thì thực tế hầu như mọi người không hiểu rõ về người Nhật. Nghĩa là cho dù có “thân Nhật” thế nào đi nữa cũng không phải là “hiểu Nhật”.
Tuy nhiên, những năm gần đây, những người từng trải nghiệm ở Nhật ngày càng tăng, số người ”hiểu Nhật” cũng tăng lên. Có một hướng dẫn viên du lịch Việt Nam- Nhật Bản của một công ty du lịch kể với tôi rằng: Khi tôi dắt một đoàn khách Việt sang Nhật tham quan thì một vị khách trong đoàn hỏi tôi rằng “Thịt bò dùng trong món Shabu Shabu này là thịt bò Kobe, bò Matsusaka hay bò Hitachi?”
Tuy tôi là người Nhật nhưng bản thân tôi cũng không thể phân biệt được mùi vị khác nhau của thịt bò. Trái ngược với người ăn sushi với nước mắm, thực tế vẫn có những người để ý đến những thứ nhỏ nhặt về nguồn gốc “Nó có thật là Made in Japan” hay không. Bản thân tôi nghĩ rằng nên khuyến khích điều này.
Mặt khác, những cái “xấu” của Nhật Bản cũng dần lộ diện. Ngày nay, số lượng người Việt đến Nhật với tư cách là du học sinh hay nghiên cứu sinh đang tăng dần. Có một nghiên cứu sinh Việt Nam đến Nhật với nguyện vọng “được học tập kỹ thuật tại Nhật” nhưng thực tế công ty chỉ giao cho anh ta những công việc rất đơn giản. Khi anh đề xuất ý kiến lên công ty nói rằng “Tôi muốn được học về kĩ thuật” thì anh ta đã bị từ chối với lí do “Kiểu của anh là chỉ sau vài năm làm việc tại đây anh sẽ quay về Việt Nam, với những người như anh cho dù có dạy cho anh về kĩ thuật đi chăng nữa cũng lãng phí vô ích”. Với thái độ như thế của Nhật Bản, sau khi chuyển từ “thân Nhật” sang “hiểu Nhật” sẽ có thể đi đến khuynh hướng “ghét Nhật”, tức là ghét những gì liên quan đến Nhật.
Bên cạnh đó cũng có một ví dụ ngược lại như thế này. Có một doanh nghiệp nhỏ nhận một nghiên cứu sinh người Việt vào làm việc. Ông chủ công ty đã rất lo lắng vì ông không có người nối dõi sự nghiệp của mình. Và người tu nghiệp sinh đó là một người rất ưu tú, khi anh ta trở về Việt Nam ông đã quyết định giao cho anh nối tiếp sự nghiệp công ty. Công ty ở Nhật đóng cửa và tất cả những máy móc cũng như sản phẩm công ty đều được di dời qua Việt Nam.
Ở góc độ là những người Nhật chúng tôi không cảm thấy yên tâm nếu Việt Nam chỉ dừng lại ở mức độ “thân Nhật” mà phải bằng cách nào đó giúp cho người Việt “hiểu” hơn về Nhật Bản, bằng cách nào đó khiến cho họ cảm thấy yêu mến nước Nhật hơn nữa và tôi nghĩ để làm được điều đó thì việc tăng cường hợp tác giữa hai nước là điều rất cần thiết.

Ví dụ thay đổi 4: Thay đổi từ “Muốn làm việc trong công ty Nhật” sang “Muốn giao dịch với công ty Nhật”
Tại Việt Nam, số người học tiếng Nhật đang ngày càng tăng. Trong khoảng 1 năm trước, khi tôi đi viết phóng sự về các bạn trẻ Việt Nam đang theo học tại các trường Nhật ngữ, tôi đã hỏi họ rằng: “Tại sao bạn lại chọn học tiếng Nhật?”
Tôi nhận được câu trả lời: “Sau này khi khởi nghiệp, em muốn được giao dịch với các công ty Nhật Bản. Em muốn thuê những người Nhật Bản đến làm cho công ty em. Và khi đó, nếu nói chuyện được bằng tiếng Nhật thì sẽ rất có lợi”
Ngày xưa, khi được hỏi “Động lực nào bạn lại chọn học tiếng Nhật?” thì phần lớn câu trả lời sẽ là:“Vì em muốn được làm việc trong công ty Nhật”. Vì khi đó mọi người đều có một hình dung đẹp đẽ rằng khi làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài thì lương sẽ cao và đối với công ty Nhật Bản cũng sẽ như vậy
Từ lối suy nghĩ “được thuê” cho đến “giao dịch”, hơn nữa là “thuê người Nhật làm việc cho mình” cho thấy ý thức của người Việt Nam đang dần dần cao lên. Đây cũng là một trong những ấn tượng mạnh mẽ mà tôi cảm nhận được “Ôi, thời đại đang dần dần thay đổi rồi !!”

Bối cảnh: Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam quá nhanh vượt xa sức tưởng tượng của người Nhật
Tới đây, tôi xin giới thiệu phần mà tôi cảm nhận được sự thay đổi của Việt Nam rõ nhất trong 15 năm qua. Lẽ dĩ nhiên, từ nay trở về sau Việt Nam vẫn tiếp tục trên đà phát triển. Khi các bạn dự đoán “Việt Nam sau này sẽ thay đổi như thế nào”, có 2 điều tôi mong các bạn nhất định phải nhớ dùm.
Đó là: “Tốc độ phát triển của Việt Nam nằm ngoài sức tưởng tượng của của người Nhật” và “Đất nước Việt Nam có tiềm lực”.
Hiện nay, có một nơi là Saigon House được biết đến như là một khu căn hộ cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên tôi đến nơi này là vào năm 1998. Khi đó hầu như không có gì, chỉ là một cái “đầm”. Con đường từ trung tâm thành phố ra khu vực Saigon House không trải nhựa, các em bé chơi đùa, thả diều ngay giữa lòng đường.
Khi đó, dự án phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng được bắt đầu triển khai, họ bán một căn hộ trong chung cư với giá khoảng 2 triệu- 3 triệu Yên, nhà biệt thự khoảng 6 triệu Yên. Khi tôi đi lấy tin viết bài, người giới thiệu hỏi tôi “Anh có mua luôn một căn không?”
Tất nhiên nếu được sở hữu một khu thì rất là tốt nhưng khi đó tôi lại nghĩ rằng “Cho dù có mua nhà ở một nơi hoang vu hẻo lánh thế này cũng không thể sống được”, nên tôi đã từ chối. Nhưng 4 năm sau đó (năm 2002), khi tôi chuyển đến sống ở Việt Nam thì nơi đó đã trở thành một khu đô thị. Một sự thay đổi nhanh chóng đáng kinh ngạc.
Sau một thời gian bắt đầu sống ở đây, tôi phát hiện ra khu chung cư được rao bán với giá 2 triệu Yên vào năm 1998 nay tiền thuê nhà hàng tháng đã vượt qua ngưỡng 10 ngàn Yên/ tháng
Vào năm 1998, khi đó tôi và bà xã đang quen nhau, và quyết định sau khi kết hôn sẽ chuyển đến sống tại Nhật. Và tôi đã mua một căn hộ mới xây với giá gần 32 triệu Yên tại Nhật. Nhưng sau khi kết hôn, 1 năm rưỡi sau chúng tôi chuyển về sống ở Việt Nam và quyết định sẽ sống lâu dài ở đây. Rốt cuộc tôi lại bán nhà đi. Số tiền tôi bán nhà bằng nửa số tiến khi tôi mua là 16 triệu Yên. Tôi dành số tiền đó để trả nốt tiền vay ngân hàng và đã hết sạch ngay sau đó.
Sau này, thỉnh thoảng vợ tôi hay nói đùa: “Giá như khi đó mình không mua nhà ở Nhật mà mua nhà ở Việt Nam thì bây giờ dù không đi làm vẫn có thể sống ở một nơi tiện nghi anh nhỉ!”.
Quay lại với buổi nói chuyện, điều này khiến tôi cảm nhận được rằng tốc độ phát triển của Việt Nam thật sự vượt xa sức tưởng tượng của người Nhật.

Bối cảnh: Đất nước Việt Nam có tiềm lực

Một điều nữa đó chính là tiềm lực của Việt Nam.
Vào khoảng năm 2000 tôi vẫn đang sống tại Nhật, và tôi có cơ hội được xem lại những bức ảnh chụp Tp. HCM những năm 1960. Điều khiến tôi ngạc nhiên đó là so với năm 2000 thì Tp. HCM những năm 1960 mang hình ảnh của một thành phố đô thị hơn nhiều.
Theo như lời kể của mẹ vợ tôi “Vào những năm 1960, Sài Gòn còn hơn cả Bangkok”. Thời đó, ở Bangkok không có nhiều hàng, nên người Thái họ sang tới tận Sài Gòn để mua sắm. Trang phục của người Thái bấy giờ mang đậm chất quê mùa nên nhìn là biết ngay”. So với bây giờ thì hoàn toàn đối lập.
Miền Nam Việt Nam trước khi thống nhất đất nước nhận được sự bảo hộ của Mỹ, nên có thể nói nhờ vậy mà tôi cảm giác tiềm lực của Việt Nam lớn ngoài sức tưởng tượng. Bây giờ, tốc độ phát triển của Thái Lan nhanh hơn rất nhiều lần Việt Nam có lẽ lí do chính là tình hình kinh tế hỗn tạp sau chiến tranh.
Khi một người Việt Nam nào đó nói rằng “Tp. HCM trong một tương lai gần thôi sẽ trở thành một thành phố đô thị còn hơn cả Thái Lan” thì người Nhật thường sẽ cười và nói “Thật điên cuồng!’’ nhưng tôi lại cảm thấy điều đó không hoàn toàn là ngông cuồng khi nhìn lại sự thay đổi của Việt Nam trong 50 năm qua.
Kết luận: Những việc cần phải làm để xây dựng mối quan hệ Việt Nhật thêm gắn kết
Cuối cùng, có rất nhiều thứ cần phải làm để xây dựng mối quan hệ Việt Nhật thêm gắn kết nhưng tôi cho rằng cái căn bản nhất đó là việc làm sao để hiểu rõ hơn nữa về văn hóa của hai đất nước. Làm sao để thực hiện điều đó? Một lần nữa tôi xin phép được chia sẻ kinh nghiệm của bản thân.
Đó là chuyện của 20 năm trước khi tôi đến Việt Nam với tư cách là một vị khách du lịch. Tôi đã đi tham quan chợ Bến Thành. Vào thời điểm đó, Việt Nam mang tai tiếng là “quốc gia nói thách”. Thực tế, khi bạn đi chợ Bến Thành, do bạn là người nước ngoài nên khi mua đồ bạn sẽ phải mua với một mức giá cao hơn chứ không phải là mức giá định sẵn.
Khi đó tôi đã nói với một người chủ tiệm rằng: “Tại sao anh lại làm như vậy? Ở Nhật chúng tôi có sự ổn định giá cả hàng hóa, mọi người ai cũng có thể yên tâm mua hàng với giá thành như nhau. Anh không nghĩ là mình nên nhìn vào đó mà học hỏi à?”
Sau đó, tôi bị người ấy hỏi lại một câu: “Ủa? Ở Nhật cho dù là người mình hay người lạ cũng bán hàng với cùng một mức giá sao? Ông không thấy kì cục sao?” Khi đó tôi không nói được thêm câu nào. Từ góc độ của Nhật Bản, khi đánh giá một điều gì đó là “Kì lạ” thì chắc hẳn đằng sau sự kì lạ đó phải có nguyên nhân. Chính vì vậy, tôi nghiệm ra rằng việc tìm hiểu nguyên nhân cho mọi thứ là điều cần thiết.
Thực tế, câu chuyện này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, sau này khi tôi có dịp đi Mông Cổ và Ai Cập, tôi cũng đã phải “trả giá” khi mua hàng. Ở đó, tôi cũng hỏi họ câu hỏi “Tại sao lại không có giá cố định cho hàng hóa?” và tôi cũng nhận được một câu trả lời tương tự.
Tất cả những ưu và nhược điểm giống như hai mặt của một đồng xu vậy. Người Nhật chúng ta nếu nhìn thấy “điểm xấu” của Việt Nam, đừng vội phán xét họ rằng “Bởi vậy, người Việt Nam thật không được gì cả !” mà cần phải suy nghĩ là “Điều này đằng sau đó có ưu điểm gì hay không?”
Ngược lại cũng vậy, các bạn Việt Nam khi có những điều liên quan đến người Nhật mà các bạn cảm thấy rằng “Thật kì cục” thì đừng vội phán xét nó là tốt hay xấu mà hãy thử suy nghĩ “Tại sao lại như vậy?”. Tôi nghĩ rằng khi làm việc cùng nhau trong một công ty hay khi xây dựng mối quan hệ cá nhân cũng vậy nếu mọi người cùng thấu hiểu và thông cảm cho nhau thì chúng ta sẽ xây dựng được mối quan hệ gắn kết, cùng phát triển giữa hai đất nước.
Xin cảm ơn các bạn đã lắng nghe.

Các tin liên quan
Chương trình đào tạo sắp khai giảng
Đào tạo riêng theo yêu cầu

Song song với các hoạt động đào tạo được tổ chức thường xuyên tại trụ sở của nhà trường (rộng mở cho nhiều doanh nghiệp). VJCC chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo theo yêu cầu riêng của từng doanh nghiệp trong và ngoài nước