Kinh tế - Văn hóa
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng tạo động lực cho các giao dịch thương mại quốc tế ngày càng phát triển. Song song với những cơ hội, hoạt động giao dịch xuyên biên giới cũng tiềm ẩn không ít rủi ro trong quá trình giao nhận hàng hóa và các giao dịch lừa đảo trục lợi từ những phương thức thanh toán quốc tế. Vậy nên, các doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị kỹ năng, sựthận trọng trong quá trình đàm phán các điều khoản giao nhận hàng hóa và phương thức thanh toán trong hợp đồng nhằm phòng tránh và giảm thiểu rủi ro của hoạt động thương mại quốc tế.

Ngày 17/07vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP. HCM tổ chức khóa tập huấn với nội dung “Incoterms® và thanh toán quốc tế: Phòng tránh rủi ro trong các giao dịch thương mại quốc tế”. Với nội dung hữu ích và thiết thực, khóa tập huấn đã thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 160 học viên đến từ Sở/ngành, Viện/trường công tác trong lĩnh vực có liên quan, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, công ty logistics trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.

Mở đầu khóa tập huấn, ông Tô Bình Minh - Giám đốc Viện Phát triển Nguồn Nhân lực Việt Nam – Nhật Bản, Phân viện tại Tp. HCM đã khái quát quá trình hình thành và phát triển của Incoterms®.Từ đó, tạo tiền đề để ông Minh giải thích những nội dung cơ bản của các điều kiện thương mại trong phiên bản Incoterms® 2010. Với kỹ năng giảng dạy và bề dày kinh nghiệm, nội dung hệ thống11 qui tắc Incoterms® 2010 được học viên đánh giá là rất cô đọng, dễ nhớ và dễ hiểu.

Thêm vào đó, chủ đềnhững thay đổi trong bản dự thảo Incoterms® 2020 nhận được nhiều sự quan tâm của học viên tham dự. Theo chia sẻ từ ông Minh, bản dự thảo Incoterms® 2020 đang ở giai đoạn cuối của việc soạn thảo và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020. Những thay đổi quan trọng trong phiên bản Incoterms® 2020 đó là: Loại bỏ các điều kiện giao hàng EXW (Giao tại xưởng) và DDP (Giao đã nộp thuế);Mở rộng sự phổ biến của điều kiện giao hàng theo phương thức FCA (Giao cho người chuyên chở); bổ sung thêm một điều kiện giao hàng mới là CNI (chi phí và bảo hiểm). Hơn nữa, Incoterms® 2020 sẽ có sự phân chia về địa điểm giao hàng đã thông quan hay chưa thông quan với quy tắc DTP (giao tại điểm tập kết đã thông quan) và DPP (giao ngoài điểm tập kết đã thông quan).

Bên cạnh đó, Ông Minh cho biết, khi đàm phán về các điều kiện giao nhận cũng như hình thức thanh toán, các doanh nghiệp cần nỗ lực thỏa thuận điều kiện giao nhận hàng hóa có lợi nhất cho mình. Ông Minh chỉ ra, các doanh nghiệp Việt Nam thường không giành quyền thuê phương tiện vận tải và mua bảo hiểm trong khi đàm phán hợp đồng, vì vậy doanh nghiệp chưa giành được quyền chủ động cũng như nhận được bồi thường bảo hiểm khi xảy ra thiệt hại.

Buổi chiều cùng ngày, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Giảng viên Bộ môn Nghiệp vụ, Trường Đại học Ngoại thương tại TP. HCM đã cập nhật các văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến hoạt động thanh toán quốc tế và hướng dẫn chi tiết các phương thức thanh toán quốc tế phổ biến hiện nay như: phương thức chuyển tiền bằng điện (T/T), nhờ thu (D/A, D/P), ghi sổ và thanh toán bằng tín dụng chứng từ (L/C).

Trong khóa tập huấn, Bà Quỳnh Nga đã đưa ra nhiều tình huống thực tiễn về những rủi ro, lừa đảo thường gặp trong hoạt động thanh toán quốc tế và những giải pháp, cách thức lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thanh toán. Phần chia sẻ bổ ích của bà Nga nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ phía học viên. Các học viên đưa ra nhiều chia sẻ kinh nghiệm, trường hợp vướng mắc đang gặp phải trong quá trình công tác thực tiễn tại đơn vị của mình và nhận được những giải đáp thỏa đáng.

Tiến sĩ Quỳnh Nga cũng chia sẻ thêm, các rủi ro trong phương thức thanh toán quốc tế là những tình huống có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong quá trình thực hiện giao dịch và với bất cứ chủ thể nào từ nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu đến cả ngân hàng. Chính vì vậy, bà Nga cho rằng, đối với hoạt động thanh toán quốc tế, các doanh nghiệp cần: tìm hiểu kỹ đối tác trước khi giao dịch để lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp, tránh trường hợp đối tác mất khả năng/chậm trễ thanh toán, hoặc đối tác có ý định lừa đảo. Hơn nữa, doanh nghiệp cần xem xéthàng hóa có được mua bảo hiểm đầy đủ hay chưa để đảm bảo được bồi thường khi xảy ra tổn thất. Đặc biệt, doanh nghiệp cần quan tâm đến các quy định, tập quán trong thương mại và nên mua bảo hiểm tỷ giá trong trường hợp tỷ giá biến động và khó dự báo.

Kết thúc buổi tập huấn, nhiều doanh nghiệp đánh giá cao những thông tin và kiến thức thực tiễn mà khóa tập huấn mang lại,các học viên mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế thông qua các chương trình đào tạo và tập huấn trong tương lai./.

Nguồn: CIIS– Minh Phương

Trích trang điện tử: http://www.hoinhap.org.vn

Các tin liên quan
Chương trình đào tạo sắp khai giảng
Đào tạo riêng theo yêu cầu

Song song với các hoạt động đào tạo được tổ chức thường xuyên tại trụ sở của nhà trường (rộng mở cho nhiều doanh nghiệp). VJCC chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo theo yêu cầu riêng của từng doanh nghiệp trong và ngoài nước