Doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng suất năng lực trong đàm phán hợp đồng xuất khẩu
Đã có rất nhiều vụ việc DN nếm “trái đắng” trên thị trường, do đó hơn ai hết, để phòng ngừa rủi ro, DN Việt phải nâng cao năng lực pháp lý của mình, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan đại diện, chuyên gia để làm đúng ngay từ đầu. Xung quanh vấn đề này, Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông TÔ BÌNH MINH, Phó viện trưởng Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC), thành viên Hội đồng Khoa học của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).
* Càng hội nhập, càng đối diện nhiều gian lận
* Thưa ông, hội nhập kinh tế quốc tế là cách để DN Việt lớn lên, phủ sóng thương hiệu của mình nhưng qua làm ăn, giao thương với nước ngoài cũng có không ít những thách thức, trong đó có cả cạm bẫy thương mại. Theo ông, DN chúng ta thường phải đối mặt với những vấn đề gì?
- Kinh tế mở cửa, các DN tham gia vào thị trường quốc tế ngày càng nhiều hơn. Trước đây, người ta chưa chú trọng đến rủi ro trong giao thương quốc tế, lý do là các hoạt động chỉ xoay quanh một số bạn hàng truyền thống, đối tác anh em và chủ yếu tập trung vào một số DN lớn, DN nhà nước.
Hội nhập quốc tế là cơ hội nhưng cũng là khó khăn cho DN Việt, nhất là đa số DN đang có quy mô nhỏ và vừa. Sự am hiểu tập quán, luật lệ thương mại quốc tế của đa số DN chưa nhiều, không ít trong số đó đứng trước những rắc rối khi làm ăn. Đã có những đơn vị chỉ làm được một vài hợp đồng là ngừng lại, thậm chí phải bồi thường, phá sản. DN Việt đa số chưa am hiểu kỹ về luật pháp quốc tế, luật pháp của nước đối tác, không có bộ phận pháp lý hỗ trợ dẫn đến việc soạn thảo hợp đồng với các điều khoản lỏng lẻo, không phù hợp với hoàn cảnh thực hiện hoặc giao phó cho đối tác soạn thảo hợp đồng và không xem xét kỹ trước khi ký kết. Thậm chí tranh chấp có thể xảy ra ngay cả với các đối tác, bạn hàng thân thiết.
Khảo sát của PwC ( công ty kiểm toán hàng đầu thế giới) được công bố tháng 6-2022 cho thấy 52% DN Việt Nam được khảo sát đã từng là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế. Con số này cao hơn mức 46% chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu. Đối tượng lừa đảo các DN là từ khách hàng (36%), nhà cung cấp (21%) và các bên trung gian, đại lý (14%).
* Vậy năng lực của đa số DN chúng ta trong việc am hiểu luật lệ thương mại quốc tế và giải quyết các tranh chấp khi xảy ra sự cố hiện nay ra sao? Vụ việc 100 container hạt điều suýt bị mất trắng thời gian qua có phải là vấn đề đáng báo động cho cộng đồng DN?
- Như đã nói, DN sẽ phải đối mặt với nhiều chiêu trò, mánh lới và gian lận thương mại nếu không tỉnh táo sẽ dễ lâm vào tình cảnh “tiền mất tật mang”, thậm chí phá sản. Có nhiều nguyên nhân, thiếu đơn hàng, áp lực dòng tiền, hay là kinh doanh thiếu bài bản và kinh nghiệm khiến DN Việt dễ trở thành nạn nhân của những hợp đồng đầy cạm bẫy. Đa phần DN Việt Nam là nhỏ lẻ, tính chuyên nghiệp rất hạn chế nên thường nằm ở thế yếu.
Không những vậy, thiếu kiến thức, kỹ năng nên DN rất dễ rơi vào bẫy. Quá tin vào nhà nhập khẩu khi họ đưa ra những hứa hẹn hấp dẫn như “hàng có bao nhiêu thì mua bấy nhiêu”, lại thanh toán đúng hẹn trong 5-7 lô hàng đầu...DN dễ thiếu cảnh giác, đó là chưa kể có những bẫy hợp đồng. Khi sự đã rồi thì việc giải quyết hậu quả dù có gỡ gạc được, đa phần các DN cũng đều chịu thiệt thòi.
Quay trở lại vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy suýt bị dính lừa đảo, đây chính xác là một hồi chuông cảnh báo đến với cộng đồng DN. Không thể mãi mù mờ trong việc ký kết, giao kết hợp đồng xuất khẩu được. Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc lừa đảo, gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Sự thiệt thòi của DN có nguyên nhân phần lớn bởi sự hạn chế về năng lực hiểu biết pháp luật thương mại quốc tế, kinh nghiệm xuất nhập khẩu hàng hóa đi nước ngoài.
* Như vậy, trong việc này, DN phải làm gì, thưa ông?
- Khi các vụ việc lừa đảo, tranh chấp thương mại xảy ra, DN cần liên lạc với các cơ quan đại diện, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để họ vào cuộc kịp thời và hỗ trợ xử lý hiệu quả vướng mắc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình. Trong quá trình giải quyết sự vụ, hãy sử dụng tất cả các kênh có thể như trọng tài thương mại quốc tế của Việt Nam, các luật sư am hiểu để được trợ giúp.
* DN phải nâng cao năng lực của mình
* Khi xảy ra sự cố, cầu cứu các cơ quan để giải quyết cho dù có gỡ gạc được thì DN cũng ít nhiều đã bị thiệt hại, theo ông bản thân DN phải chủ động như thế nào để phòng tránh?
- Chúng ta biết phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh nhưng như đã nói, do năng lực hạn chế, DN vẫn bị vướng vào nhiều vụ kiện tụng, tranh chấp. Điều quan trọng ở đây là hãy chắc chắn ngay từ đầu, làm đúng trong giao kết thương mại sẽ hạn chế được rất nhiều những vướng mắc phát sinh. Trước khi hợp tác, các DN xuất khẩu hãy kiểm tra danh tính người mua hàng, đặc biệt là khách hàng lần đầu làm việc nhưng đặt mua số lượng lớn, khách hàng chuyên lĩnh vực này lại chào mua sản phẩm khác, khách hàng có dấu hiệu bất thường...
Bên cạnh đó, khi làm ăn với thị trường nào cần tìm hiểu pháp luật của quốc gia đó và tập quán kinh doanh của họ. Làm xuất nhập khẩu, bộ phận pháp lý, chuyên gia vì thế rất quan trọng. DN cần cẩn trọng từ cách soạn thảo hợp đồng để tránh các điều khoản bất lợi cho mình về sau.
Điều đáng buồn là với hàng chục năm trong công tác trong ngành, hầu hết DN chỉ tìm đến tôi khi đã xảy ra sự cố. Điều đó là rất, rất không nên!
* Để chuyên nghiệp, phải chăng DN cần đội ngũ pháp lý đủ mạnh?
- Đó là điều chắc chắn! Không còn con đường nào khác, phải đào tạo đội ngũ cán bộ xuất nhập khẩu có năng lực, am hiểu các vấn đề liên quan như: vận tải, logistics... Phải liên hệ, hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia ngay từ đầu chứ không phải tìm đến họ khi sự cố phát sinh.
* Theo ông, vai trò của các hiệp hội ở đây là gì?
- Để hỗ trợ cho các DN thì vai trò của các hiệp hội là rất quan trọng, đặc biệt là các hiệp hội ngành nghề như: may mặc, gỗ, điều, gạo... Khi có sự kết hợp, hợp tác cùng nhau thì những thông tin về thị trường, về đối tác được mọi người cùng chia sẻ. Đối tác này đàng hoàng, đối tác kia thường dính kiện tụng, giá cả thị trường, nhu cầu tiêu thụ... được các DN, các hiệp hội chia sẻ sẽ bớt đi những rủi ro. Điểm yếu của các DN là mình ít chia sẻ, liên kết với nhau để tạo ra sức mạnh, có khi còn cạnh tranh ngược với nhau để hạ giá xuống, tạo thêm sự yếu thế của mình.
Các hiệp hội ngành hàng cũng cần được Nhà nước hỗ trợ, tạo cơ chế, điều kiện để phát triển. Hiệp hội ngành hàng cũng là cánh tay nối dài của Nhà nước, giúp mối liên hệ giữa Nhà nước và DN được chặt chẽ hơn, từ đó cùng xây dựng được chương trình phát triển, xây dựng năng lực chung cho DN.
* Xin cảm ơn ông!
“VJCC là một dự án có sự phối hợp giữa Nhật Bản và Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cộng đồng DN Việt Nam nói chung. Tại VJCC có các lớp dành cho chủ DN, những người làm công tác xuất, nhập khẩu. Với sự hợp tác từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chúng tôi có những chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm để đáp ứng nhu cầu của DN. Đồng Nai là địa phương có nhiều DN, đơn vị làm công tác xuất, nhập khẩu do vậy nếu địa phương có các chương trình đào tạo, tập huấn, chúng tôi cũng sẵn lòng hợp tác và hỗ trợ” - ông TÔ BÌNH MINH nói.
Vương Thế (thực hiện)
Nguồn: BÁO ĐỒNG NAI