Ngày 17/01/2024 , tại Văn phòng Hiệp Hội Doanh Nghiệp TP. Cần Thơ (CBA) , ban lãnh đạo Hiệp Hội do ông La Quan Lợi- Phó chủ tịch thường trực CBA đại diện đã có buổi làm việc với đoàn Phân Viện Phát triển Nguồn Nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC-HCMC) và Hội Doanh nhân Keieijuku phía Nam, do Tiến sĩ Tô Bình Minh- Phó Viện trưởng, Giám đốc Phân Viện tại thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn.
Về phía Hiệp Hội Doanh Nghiệp TP. Cần Thơ còn có sự tham gia của ông Lưu Thanh Hùng- Phó Chủ tịch, bà Tiêu Nguỵ Uyên Minh- Chánh văn phòng , ông Trần Phú Mỹ Thuận – Uỷ viên Ban chấp hành/ Trưởng Ban chăm sóc Hội viên và bà Ngọc Trang- Chuyên viên.
Về phía VJCC và Hội Doanh nhân Keieijuku phía Nam, có sự tham gia của ông Hideki Kemmotsu- Chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), ông Huỳnh Trọng Đức- Trưởng Ban Đào tạo kinh doanh của VJCC-HCMC, ông Trương Quốc Cường- Chủ tịch Hội Doanh nhân Keieijuku phía Nam, ông Nguyễn Thành Phương- Uỷ viên Ban Điều hành và ông Thông Hùng Mười- Thư ký.
Mở đầu chương trình làm việc là phần giới thiệu thành phần tham dự của các bên. Sau đó, các bên chia sẻ về các hoạt động của nhau, khả năng tổ chức các chương trình đào tạo cho doanh nghiệp hội viên CBA, các hoạt động kết nối kinh doanh và tham gia các chương trình hợp tác chung khác.
Trong buổi làm việc Tiến sĩ Tô Bình Minh giới thiệu dự án của JICA đang triển khai thực hiện các chương trình đào tạo Kinh doanh Cao cấp – Keieijuku, chương trình được thực hiện từ năm 2009 dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); chương trình bồi dưỡng doanh nghiệp trung và ngắn hạn; và các hoạt động xúc tiến giao lưu văn hóa, giáo dục, kinh doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ngoài ra phía CBA có thể lựa chọn doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc của Hiệp Hội để giới thiệu tham gia khóa học kinh doanh cao cấp Keieijuku năm 2024.
Ông La Quan Lợi - Phó chủ tịch CBA kiêm Giám đốc chi nhánh PNJ Miền Tây hỏi thêm về các ngành và các đối tượng phù hợp với tiêu chí tuyển chọn của khóa học Keieijuku. Bên CBA sẽ sắp xếp danh sách doanh nghiệp thành viên của Hiệp Hội theo ngành nghề để giới thiệu học viên phù hợp tham gia khóa học Keieijuku 20, đặc biệt là các doanh nghiệp của ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra hai bên cũng trao đổi về một số đơn vị ở Cần Thơ mà đoàn sẽ ghé tham quan sau buổi trao đổi với Hiệp Hội như Công ty TNHH Sản Xuất Và Thương Mại Anh Trí Tuệ, Trường Đại học Cần Thơ, Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa,…
Ông Trương Quốc Cường- Giám đốc công ty TNHH Tương Lai kiêm Chủ tịch Hội doanh nhân Keieijuku phía Nam chia sẻ về những lợi ích đạt được sau khóa học. Ông Trương Quốc Cường cũng giải đáp thắc mắc cho Ông La Quan Lợi về chất lượng sản phẩm cao su kỹ thuật của công ty Tương Lai hiện nay có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc về giá mà chất lượng cao cấp hơn vượt mức để đáp ứng xuất khẩu cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Ông Nguyễn Thành Phương- Chủ tịch Công Ty Cổ Phần Sản Xuất Thiết Bị Điện Công Nghiệp Cát Vạn Lợi, Uỷ viên Ban Điều hành Hội doanh nhân Keieijuku phía Nam cũng chia sẻ về sự thay đổi của doanh nghiệp sau khi tham gia khóa học Keieijuku từ lĩnh vực thương mại chuyển sang lĩnh vực sản xuất. Hiện nay công ty cung cấp các sản phẩm vật tư cơ điện đủ chất lượng thay thế hàng ngoại khẩu theo tiêu chuẩn của Anh, Mỹ, Nhật và có rất nhiều dự án cung cấp ở Cần Thơ như Nhiệt Điện sông Hậu, Nhiệt Điện Ô Môn, Cầu Cần Thơ và một số dự án nơi khác như Nhiệt Điện Trà Vinh, Khí Điện Đạm Cà Mau, Sân Bay Long Thành,…
Ông Hideki Kemmotsu- Chuyên gia của JICA cũng chia sẻ về mối liên kết hợp tác giữa VJCC và các Hiệp Hội của Nhật như Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nhật Bản tại Tp. HCM (JCCH) . Phía Nhật Bản hiện đang có chính sách và kế hoạch chuyển dịch dòng đầu tư và kinh doanh từ Trung Quốc sang Việt Nam. VJCC cũng nhận được nhiều yêu cầu từ các công ty Nhật Bản để kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp Keieijuku thông qua cầu nối là VJCC. Ngoài ra VJCC cũng đón tiếp rất nhiều nghiệp đoàn và tổ chức chính phủ ở các vùng ở Nhật như Hokaido, Kansai, Osaka, Kobe, Niigata, Kagoshima, ... đến tham quan, trao đổi, tìm cơ hội hợp tác.
Tiếp lời, Tiến sĩ Tô Bình Minh cũng chia sẻ về sự kiện Hoàng Thái Tử Naruhito của Nhật Bản trước đây (Nhật Hoàng hiện nay) đã từng đến tham quan lớp học tại VJCC khi có chuyến thăm Việt Nam. Các doanh nghiệp học viên của VJCC cũng tạo được sự tin tưởng và uy tín với các doanh nghiệp Nhật thông qua mô hình kinh doanh và quản trị áp dụng theo triết lý kinh doanh của Nhật.
Phía CBA cũng mong mỏi phía Cần Thơ có doanh nghiệp có thể được chọn tham gia khóa học Keieijuku sắp tới và hy vọng có thể tổ chức các khóa học ngắn hạn hoặc hội thảo ở Cần Thơ theo nhu cầu của doanh nghiệp. Hiệp hội sẽ lấy ý kiến khảo sát của doanh nghiệp đề xuất chương trình đào tạo phù hợp và lên kế hoạch ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với VJCC để triển khai các dự án đào tạo dài hạn.
Thông qua buổi làm việc, hai bên ghi nhận những nội dung trao đổi và sẽ xúc tiến phối hợp thông tin về các hoạt động của mỗi bên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các khóa học cũng như các chương trình sắp tới do VJCC tổ chức. Phía VJCC-HCMC cũng mời đại diện của CBA tham dự Lễ khai giảng lớp học Keieijuku – khóa 20 của VJCC tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27/5/2024. Hai bên sẽ tiếp tục trao đổi tiếp để đi đến ký kết Bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Cần Thơ và kết nối kinh doanh, đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản vào ngày khai giảng khóa 20 với sự chứng kiến của JICA, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, các học viên của VJCC và các tổ chức, doanh nghiệp khác.
Kết thúc buổi làm việc, đại diện VJCC trao tặng sách và lịch 2024 cho CBA, chụp hình lưu niệm và hẹn gặp lại tại Tp. HCM.