Trong 2 ngày 06 và 07 tháng 10 năm 2024, Trung Tâm Phát triển Nguồn Nhân Lực Myanmar-Nhật Bản (MJC) và Phân Viện Phát triển Nguồn Nhân lực Việt Nam - Nhật Bản tại TP.HCM (VJCC-HCMC) đã phối hợp tổ chức chương trình giao lưu kết nối kinh doanh cho các doanh nghiệp học viên MJC và các doanh nghiệp học viên khóa học Kinh doanh Cao cấp (Keieijuku) nhân dịp đoàn doanh nghiệp MJC có chuyến học tập tham quan thực tế và giao lưu kết nối kinh doanh ở Việt Nam.
Trong buổi giao lưu kết nối kinh doanh vào chiều ngày 06 tháng 10 năm 2024 lúc 16:30, về phía Myanmar (24 người) có sự tham gia của ban lãnh đạo MJC, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA) tại Myanmar, đại diện Hội Doanh nghiệp Quốc tế Myanmar-Nhật Bản (MJIBA) và các doanh nghiệp học viên MJC. Về phía Việt Nam, có sự tham gia của các đại diện của VJCC-HCMC, JICA Việt Nam, đại diện của Hội doanh nhân Keieijuku miền Nam (SKBA).
Mở đầu chương trình là phần giới thiệu dự án VJCC do ông Kemmotsu Hideki, điều phối viên của VJCC-HCMC và đại diện của JICA trình bày. Tiếp theo là phần giới thiệu về chương trình Keieijuku do ông Huỳnh Trọng Đức, Trưởng Ban Khóa học Kinh doanh của VJCC-HCMC trình bày. Ngoài ra cũng có đại diện của SKBA là ông Lê Mai Hữu Lâm tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Sản Xuất Thiết Bị Điện Công Nghiệp Cát Vạn Lợi tham gia và thảo luận với mong muốn hợp tác cũng như kế hoạch sẽ đến Myanmar để khảo sát thị trường tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh trong tháng 11 năm 2024.
Sau đó hai bên tiếp tục tham quan các quầy trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp Keieijuku ở đại sảnh VJCC-HCMC, các phòng học, cơ sở vật chất và các đối tác đang hoạt động trong VJCC-HCMC. Đặc biệt các doanh nghiệp Myanmar có rất nhiều hứng thú với các sản phẩm, mô hình, thông tin doanh nghiệp Keieijuku có quầy trưng bày. Ông Lê Mai Hữu Lâm- Tổng Giám đốc công ty Cát Vạn Lợi- cũng giới thiệu thông tin chi tiết sản phẩm của Công ty Cát Vạn Lợi đang trưng bày tại quầy cho đoàn doanh nghiệp MJC.
Kết thúc buổi giao lựu tại VJCC-HCMC, hai bên chụp hình lưu niệm. Trước khi chia tay các đại diện của đoàn MJC đã tặng VJCC-HCMC và SKBA những phần quà lưu niệm mang tính văn hoá của Myanmar.
Vào buổi tối diễn ra tiệc giao lưu giữa các học viên Keieijuku và đoàn MJC. Buổi tiệc diễn ra trong không khí vui vẻ và cũng là khởi đầu tốt đẹp giữa 2 cộng đồng doanh nghiệp Keieijuku (Việt Nam) và MJIBA (Myanmar). Đại diện các doanh nghiệp 2 nước chia sẻ cảm xúc cùng nhau qua các bài hát, điệu nhảy tập thể mang đậm chất văn hóa của 2 nước.
Buổi giao lưu này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp từ Việt Nam và Myanmar tiếp cận thông tin mới nhất về môi trường kinh doanh và xu thế thị trường của cả hai quốc gia. Đồng thời, buổi giao lưu còn mở ra cơ hội hợp tác và tăng cường sự gắn kết giữa các doanh nghiệp.
Ngày 07 tháng 10 năm 2024, VJCC-HCMC tiếp tục sắp xếp cho đoàn MJC tham quan học hỏi tại 2 doanh nghiệp Keieijuku. Vào buổi sáng, đoàn MJC có buổi tham quan nhà máy của Công ty Cổ phần Đầu tư Diệp Nam Phương tại Long Thành.Mở đầu là phần chào hỏi đoàn và giới thiệu của ông Nguyễn Hữu Thật, Tổng giám đốc Công ty Diệp Nam Phương, học viên Keieijuku HCM khóa 17.
Sau đó đoàn tiếp tục tham quan nhà máy sản xuất Inox với sự hướng dẫn của các lãnh đạo Công ty Diệp Nam Phương và là học viên các khóa Keieijuku tại VJCC-HCM.
Sau khi tham quan nhà máy, cả đoàn cùng thảo luận và đặt câu hỏi cho lãnh đạo của Công ty Diệp Nam Phương.
Kết thúc chuyến tham quan, đoàn MJC và lãnh đạo cCng ty Diệp Nam Phương cùng trao cho nhau những phần quà kỷ niệm và những lời cảm ơn sâu sắc vì đã dành thời gian quý báu để chia sẻ những tri thức và kinh nghiệm thiết thực.
Sau khi dùng bữa trưa vào buổi chiều, đoàn MJC có buổi tham quan nông trại hữu cơ của Công ty Cổ phần Đầu tư Organica tại Long Thành (Đồng Nai) và các cửa hàng của công ty ở Thảo Điền (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).
Myanmar cũng có thế mạnh về nông nghiệp và gần phân nửa doanh nghiệp trong đoàn kinh doanh ngành nghề có liên quan đến thực phẩm nên cả đoàn vô cùng hứng thú với chuyến tham quan nông trại và cửa hàng thực phẩm hữu cơ của Công ty Organica.
Hoạt động tham quan buổi chiều chủ yếu ở ngoài trời trong thời tiết mát. Bà Phạm Phương Thảo, Tổng giám đốc của Organica (học viên Keieijuku khóa 8) đã mời cả đoàn dùng thử các loại trái cây, hạt và nước ép của Công ty được trồng bằng phương pháp hữu cơ đã được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế.
Qua chia sẻ giữa hai bên, hình thức kinh doanh thực phẩm hữu cơ chưa xuất hiện ở Myanmar và là lĩnh vực vô cùng tiềm năng và triển vọng. Vì vậy các doanh nhân Myanmar rất tập trung lắng nghe và đặt ra rất nhiều câu hỏi.
Đoàn MJC cũng trao tặng những phần quà của Myanmar làm kỷ niệm và những lời cảm ơn chân thành vì công ty Organica đã dành thời gian đón tiếp đoàn và chia sẻ những kiến thức, thông tin và kinh nghiệm vô cùng bổ ích.
Điếm đến cuối cùng của đoàn là cửa hàng và vườn trải nghiệm tập trung mọi sản phẩm từ tất cả nông trại của Organica tại khu vực Thảo Điền trong lộ trình trở về Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc quan sát học hỏi, các doanh nhân từ Myanmar cũng tranh thủ mua sắm những sản phẩm hữu cơ tại cửa hàng Organica.
Kết thúc chuyến tham quan, phía công ty Organica cũng dành tặng các thành viên trong đoàn mỗi người một phần quà lưu niệm của công ty và chụp ảnh kỷ niệm.